Ngày 7/9: Ngày Quốc tế Không khí sạch 2024 “Giảm ô nhiễm không khí vì một bầu trời xanh”

Ngày 7/9 đã được thế giới công nhận là Ngày Quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh (The International Day of Clean Air for blue skies), như một lời nhắc nhở hàng năm rằng thế giới phải khẩn trương giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí.

Ngày Quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh là ngày gì?

Cách đây vài năm, cụm từ “Ô nhiễm không khí” và “bụi mịn PM2,5” vẫn còn xa lạ và “vô hình” với công chúng, cũng như thông tin về tình hình chất lượng không khí chưa được trao đổi nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Phải đến cuối năm 2018, khi các chỉ số chất lượng không khí liên quan tới bụi mịn PM2,5 tại nhiều điểm đo được cập nhật và chia sẻ liên tục qua các trang web và các ứng dụng, người dân mới quan tâm hơn đến vấn đề này.

Ngày Quốc tế Không khí sạch vì bầu trời xanh

Bản đồ ô nhiễm không khí đo bụi PM2,5 tại Hà Nội đã được xây dựng và chỉ rõ mức ô nhiễm tại các quận huyện và sự biến động ô nhiễm theo thời gian. Trong năm 2019, nồng độ bụi PM2,5 trung bình năm của các quận, huyện và thị xã nằm trong khoảng 28,2 đến 40,2 µg/m³, vượt mức quy chuẩn quốc gia QCVN 05:2013 (25 µg/m³). Các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng có nồng độ PM2,5 cao nhất. Các huyện ngoại thành có nồng độ PM2,5 thấp hơn. Và trong năm 2020, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng nồng độ bụi trung bình năm ở đa số các quận/ huyện vẫn vượt mức QCVN 05:2013.

Ô nhiễm không khí là kẻ giết người. Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cho biết, ô nhiễm không khí đã và đang hủy hoại cuộc sống và sức khỏe của hàng tỷ người, trong đó những đối tượng yếu thế như trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ mang thai chịu nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Theo nghiên cứu của Đại học Chicago, các hạt bụi mịn (được gọi là PM2.5) là mối nguy hiểm lớn nhất đối với sức khỏe con người. Nghiên cứu cho biết tác động của bụi mịn đối với tuổi thọ của con người “tương đương với hút thuốc, cao hơn 4 lần so với việc sử dụng rượu bia, gấp 5 lần so với chấn thương khi bị tai nạn giao thông và hơn 6 lần so với HIV/AIDS”.

UNEP khẳng định chỉ có hành động trên quy mô toàn cầu mới có thể giải quyết được cuộc khủng hoảng ô nhiễm không khí, đó là lý do tại sao Ngày Quốc tế Không khí Sạch vì bầu trời xanh được tổ chức hàng năm.

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã chỉ định ngày 7/9 hàng năm là ngày nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động chống ô nhiễm không khí. Đó là mục tiêu của Ngày quốc tế không khí sạch cho bầu trời xanh được khởi xướng vào năm 2020.

UNEP cho biết ngày này “nhằm mục đích xây dựng một cộng đồng hành động toàn cầu, khuyến khích các quốc gia hợp tác giải quyết ô nhiễm không khí để bảo vệ hệ sinh thái của chúng ta. Ngày này cung cấp một nền tảng hợp tác ở cấp độ cá nhân, quốc gia, khu vực và quốc tế để cùng nhau làm việc và đầu tư vào các chương trình giải quyết ô nhiễm không khí – Clean Air Now.”

Chất lượng không khí kém là mối đe dọa bên ngoài lớn nhất đối với sức khỏe, theo Chỉ số Chất lượng Không khí Cuộc sống (AQLI). AQLI đã phát triển một công cụ để tính toán xem con người sẽ sống được bao lâu nếu họ có thể hít thở không khí trong lành. Nền tảng này cho thấy người dân ở các vùng công nghiệp phía bắc Ấn Độ sẽ sống thêm 6,8 năm nếu có không khí an toàn để hít thở.

Nhưng không chỉ ở những khu vực ô nhiễm nặng con người mới bị ảnh hưởng bởi chất lượng không khí kém. AQLI cho biết tuổi thọ trung bình của mỗi người trên thế giới sẽ tăng thêm 1 năm 11 tháng nếu tỷ lệ các hạt bụi mịn trong khí quyển được giảm xuống mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.

Làm thế nà để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí?

Ngày Không khí sạch thế giới (World Clean Air Day) năm nay có chủ đề “Làm sạch không khí ngay lúc này!” (CleanAirNow), tập trung vào việc tăng cường đầu tư cũng như chia sẻ trách nhiệm trong việc chống ô nhiễm không khí. Đồng thời, nhấn mạnh vào 5 vấn đề cần biết về ô nhiễm không khí.

  1. Carbon đen ở Bắc Cực: Ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người mà còn tác động nghiêm trọng đến các hệ sinh thái, đặc biệt là ở Bắc Cực, nơi đang ấm lên nhanh gấp bốn lần so với phần còn lại của thế giới. Một trong những nguyên nhân là sự lan tỏa của các hạt carbon đen từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch, làm tối lớp tuyết, khiến nó hấp thụ nhiều nhiệt hơn và góp phần làm tan băng nhanh hơn
  2. Hợp tác quốc gia cho không khí sạch: Các nhà vận động cho không khí sạch đang kêu gọi chính phủ các nước đưa vấn đề này lên hàng đầu. Các chính sách và đầu tư nhằm cải thiện chất lượng không khí không chỉ mang lại lợi ích về sức khỏe mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và giảm bất bình đẳng toàn cầu. Theo Chỉ số Chất lượng Không Khí và Tuổi Thọ (AQLI), nếu chất lượng không khí ở Việt Nam đạt tiêu chuẩn khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới, tuổi thọ trung bình sẽ tăng thêm 1,82 năm.
  3. Cải cách trợ cấp để có không khí sạch hơn: Nhiên liệu hóa thạch là nguồn chính gây ô nhiễm PM2.5. Chính phủ đang chi hàng triệu đô la để trợ cấp nhiên liệu hóa thạch—số tiền này có thể được sử dụng để giải quyết ô nhiễm không khí. Các chính sách cải cách trợ cấp thành công nên đảm bảo bồi thường cho các cộng đồng bị ảnh hưởng và cung cấp thông tin đáng tin cậy để khuyến khích thay đổi.
  4. Dữ liệu chất lượng không khí mở: Cải thiện chất lượng không khí phụ thuộc nhiều vào việc tiếp cận dữ liệu chính xác và mở. Các công ty cần công bố số liệu về chất lượng không khí cho người tiêu dùng và công chúng để tăng tính minh bạch và thúc đẩy hành động.
  5. Hành động chống ô nhiễm giảm rủi ro sức khỏe: Liên minh Châu Âu (EU) đặt mục tiêu giảm 55% số ca tử vong sớm do ô nhiễm bụi mịn (PM2.5) vào năm 2030, với các biện pháp cụ thể nhằm giảm lượng phát thải các chất gây ô nhiễm nguy hiểm. Mặc dù ô nhiễm không khí ở Châu Âu đã giảm trong hai thập kỷ qua, nó vẫn là mối đe dọa sức khỏe môi trường lớn nhất.
Ô nhiễm không khí
Tác động của các hoạt động đô thị đến chất lượng không khí và môi trường xung quanh

Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA) đã phân loại chất lượng không khí thành năm mức: Tốt (dưới 5μg/m³), Khá (5-10μg/m³), Trung bình (10-15μg/m³), Kém (15-25μg/m³), và Rất kém (25μg/m³ trở lên). Các thành phố ở Thụy Điển, Bồ Đào Nha và Bắc Âu đứng đầu danh sách những nơi có không khí sạch nhất, trong khi Cremona ở Ý, Nowy Sącz ở Ba Lan và Slavonski Brod ở Croatia nằm trong số những khu vực ô nhiễm nhất ở Châu Âu.

Theo Hội đồng Tương lai Toàn cầu về Không khí Sạch, sự hợp tác giữa công và tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo mọi người đều có quyền tiếp cận không khí sạch. Ngày Quốc tế Không Khí Sạch vì Bầu Trời Xanh là thời điểm quan trọng để nâng cao nhận thức và khuyến khích hành động toàn cầu.

Đánh giá

Tin tức khác

Quá trình hoạt động của Phổ khối lượng trong phân tích Hydro xanh

20/09/2024

Nhu cầu oxy hòa tan và các yếu tố ảnh hưởng

19/09/2024

Tại sao cần tính vận tốc cập tàu trên cầu cảng?

17/09/2024

Giảm tác động của sóng và dòng chảy lên thiết bị đo mực nước tự ghi

17/09/2024

Hệ thống quan trắc bến cảng bao gồm những thiết bị nào?

17/09/2024

ĐĂNG KÝ NHẬN NỘI DUNG

Quý Khách hàng đang có nhu cầu cần sao chép nội dung, vui lòng để lại thông tin, chúng tôi sẽ phản hồi trong thời gian sớm nhất. Trân trọng cảm ơn!