Với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ và đường bờ biển dài hơn 3.000km, Việt Nam là nơi có nhiều ngành kinh tế phát triển, cung cấp sinh kế cho khoảng một nửa dân số cả nước. Tuy nhiên, vùng ven biển của đất nước này thường phải đối mặt với những tác động nặng nề của thiên tai, gây thiệt hại lớn cho con người và kinh tế.
Trong năm 2020, đã xảy ra một loạt các thiên tai khốc liệt và lịch sử trên toàn quốc, bao gồm 14 cơn bão, 1 vụ tai nạn do thảm họa tự nhiên, 265 trận sét đánh và mưa dông, 120 trận lũ quét và sạt lở đất, 90 trận động đất, hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông và bờ biển, cũng như sụt lún đê biển tại Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Ngành du lịch ven biển chủ yếu dựa vào bãi biển và các hệ sinh thái nguyên sinh, tuy nhiên có đến 42% các khách sạn xây dựng ở khu vực ven biển nằm gần những bãi biển đang bị xói lở.
Mỗi năm, người dân sống tại khu vực ven biển phải đối mặt với nhiều thảm họa thiên nhiên như bão, nước dâng, sóng lớn, triều cường, xói lở bờ biển, hạn hán và xâm nhập mặn. Trong số đó, bão và nước dâng được coi là những loại thiên tai có nguy cơ gây rủi ro cho các vùng ven biển Việt Nam.
Tầm quan trọng của quan trắc khí tượng thủy văn
Mạng lưới các trạm khí tượng thủy văn đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập số liệu khí tượng thủy văn trên biển phục vụ cho công tác điều tra cơ bản, nghiên cưu khoa học và đặc biệt là công tác phục vụ nghiên cứu đánh giá mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu, đảm bảo được chủ quyền lãnh hải và an ninh quốc phòng trên biển.
Số liệu khí tượng hải văn là cơ sở để xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế biển và các vùng ven biển; dự án, cảnh báo thiên tai và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, phục vụ đắc lực cho việc phòng, tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai có nguồn gốc từ biển gây ra.
Giải pháp quan trắc khí tượng thủy văn cho tương lai
Trong tương lai gần, những rủi ro thiên tai do bão, nước dâng, sóng lớn, triều cường và xâm nhập mặn cho khu vực ven biển được dự báo có nguy cơ sẽ gia tăng cùng với tốc độ đô thị hóa, yêu cầu về phát triển kinh tế và do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhằm tăng cường khả năng chống chịu cho khu vực ven biển Việt Nam, Ngân hàng Thế giới đề xuất một số hành động, trong đó có nhiệm vụ “Nâng cấp hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm”.
Như vậy, để giảm thiểu rủi ro thiên tai trên biển, rủi ro thiên tai cho vùng ven biển và đảm bảo sinh kế của người dân vùng ven biển một cách bền vững thì tầm quan trọng của việc nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn biển là thực sự cần thiết và cấp bách.
Giáo sư Tiến sĩ Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV – cho hay: Ngành KTTV đang từng bước hoàn thiện, nâng cấp hệ thống mạng lưới quan trắc, nâng cao tỉ lệ các trạm quan trắc tự động, hình thành hệ thống thông tin chuyên dùng để tổng hợp các cơ sở dữ liệu tập trung, đầu tư máy tính có hiệu năng cao, áp dụng công nghệ dự báo mang tính đột phá để bản tin dự báo có sự chuyển biến, đáp ứng được nhu cầu, độ tin cậy về tính kịp thời và hiệu quả đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Mục tiêu đến năm 2030 phải phát triển đồng bộ mạng lưới trạm tự động quan trắc về khí tượng hải văn theo hướng tăng dầy mật độ các trạm tự động lên 70% so với số lượng hiện có. Phát triển các loại trạm hải văn dạng phao di động và phao cố định trên các vùng biển ngoài khơi nơi không có trạm đảo đạt mật độ 100km một trạm đến năm 2030, đạt mật độ 50km một trạm đến năm 2045. Tự động hóa 100% các trạm khí tượng ven biển”.
Với một đất nước quanh năm “Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa” như Việt Nam, việc quan tâm phát triển mạng lưới quan trắc khí tượng, hải văn biển từ xa sẽ giúp cho Việt Nam chủ động trước mọi diễn biến của các thiên tai từ biển.
Nguồn: Báo lao động
Trạm quan trắc khí tượng thủy văn liên tục tự động |
Định vị giám sát tài nguyên trên biển |
Phao biển quan trắc thời tiết hải văn và môi trường |
Hệ thống giám sát thời tiết cho trang trại điện gió |